Sức mạnh công nghiệp quốc phòng Việt Nam đang được đẩy mạnh
Ra đời trong gian khó, bắt đầu từ con số 0, đến nay, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã góp phần to lớn vào việc tăng cường sức mạnh quân sự.
Tàu pháo TT-400TP do Nhà máy Z173 (Tổng cục CNQP) đóng mới, thực hành bắn nghiệm thu năm 2011 |
Súng Bazoca diệt xe tăng địch
Ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của Ngành Công nghiệp Quốc phòng ngày nay) với hai nhiệm vụ: thu thập, mua sắm vũ khí; tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí chuẩn bị cho đất nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ chính quyền non trẻ…
Tại chiến khu Việt Bắc năm 1946, ngành Quân giới đã tạo ra được nguồn nguyên vật liệu cần thiết để hình thành những cơ sở sản xuất thuốc gây nổ fuminát thuỷ ngân, clorát, a-xít và cả lò cao sản xuất gang... đáp ứng yêu cầu sản xuất vũ khí.
Cuối tháng 2/1947, súng và đạn Bazoca được Cục Quân giới thử nghiệm thành công ở Ứng Hoà (Hà Tây cũ). Số đạn và súng Bazoca sản xuất loạt đầu tiên (sản phẩm đầu tay) được giao cho bộ đội tại mặt trận Hà Nội diệt gọn 2 xe tăng địch ở Chúc Sơn- Chùa Trầm, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội).
Song song với công việc sản xuất, các binh công xưởng cũng rất coi trọng việc sửa chữa vũ khí. Những khẩu Sten, súng trường, lựu đạn thu được của địch bị hỏng đã được các binh công xưởng sửa chữa và đưa vào phục vụ chiến đấu.
Vũ khí chống phong toả của địch
Sau Hiệp định Gieneve (1954), đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Ở miền Bắc, các xí nghiệp quốc phòng tiếp tục sản xuất vũ khí bộ binh thông thường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với một số trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội nghiên cứu, cải tiến thành công một số loại vũ khí do các nước bạn viện trợ.
Những chiến công trong cải tiến vũ khí, khí tài phòng không góp phần bắn rơi nhiều máy bay hiện đại của Mỹ, kể cả pháo đài bay B-52; nghiên cứu và chế tạo các phương tiện rà phá bom từ trường, rà phá thuỷ lôi của địch, góp phần bảo đảm các tuyến giao thông thuỷ, bộ ra chiến trường thông suốt; nghiên cứu, chế tạo thành công một số loại vũ khí trang bị cho bộ đội đặc công; tổ chức sản xuất một số loại vũ khí mà chiến trường rất cần như súng cối 81mm, súng và đạn chống tăng CT62, mìn định hướng...
Sau 10 năm (1955-1965) số lượng nhà máy Quân giới ở miền Bắc đã tăng 5 lần, quy mô sản xuất tăng gấp 20 đến 30 lần... Ngành Quân giới đã nghiên cứu, sản xuất các phương tiện chống thủ đoạn phong toả của địch. Những viên phe-rít nhỏ bé hay các thiết bị phóng từ đặt trên xe ô tô, ca nô... do các cơ sở Quân giới chế tạo đã trở thành những trang bị có tác dụng rất tốt trong việc rà phá bom mìn, thuỷ lôi, khai thông các tuyến đường bộ, đường thuỷ.
Vũ khí thế hệ mới
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, ngành Quân giới bước sang chặng đường phát triển mới- ngành Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) và sau này là Tổng cục CNQP.
Đến những năm cuối của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, ngành CNQP đã có bước tiến quan trọng trong sản xuất quốc phòng và kinh tế. Các sản phẩm vũ khí trong chương trình vũ khí bộ binh như cối 100mm, ĐKZ82, súng máy phòng không 12,7mm, súng đại liên, trọng liên, phóng lựu... trang bị cho sư đoàn bộ binh đã được hoàn thành.
Nhiều dự án nghiên cứu thiết kế, chế tạo hoặc nhập công nghệ, thiết bị hiện đại, đồng bộ phục vụ sản xuất quốc phòng được thực hiện. Đặc biệt lĩnh vực đóng tàu quân sự của Tổng cục CNQP đã có bước đột phá, phát triển vượt bậc. Các cơ sở sản xuất đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, tàu cứu hộ, cứu nạn… trang bị cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đồng thời góp phần tích cực vào triển khai thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam.
Trong công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, các viện nghiên cứu thuộc Tổng cục CNQP đã mở nhiều đề tài nghiên cứu, thiết kế các loại vũ khí thế hệ mới; phát triển nhiều dây chuyền sản xuất, công nghệ phục vụ sản xuất, cải tiến vũ khí bộ binh, khí tài, trang bị kỹ thuật cho bộ đội như: Tên lửa, pháo binh, không quân, xe tăng; nghiên cứu vật liệu đặc chủng cho sản xuất quốc phòng; đã triển khai nghiên cứu hàng trăm công trình, đề tài cấp Tổng cục và cấp Bộ Quốc phòng, trong đó có 6 đề tài cấp Nhà nước.
Cùng với công tác nghiên cứu khoa học và quản lý kỹ thuật sản xuất quốc phòng, để tạo ra những thay đổi lớn trong sản xuất vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật, các nhà máy, đơn vị trực thuộc Tổng cục CNQP đã chủ động mua sắm nhiều dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, vừa đáp ứng tốt nhiệm vụ quốc phòng, vừa phục vụ kinh tế dân sinh.
Nguồn: Baodatviet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét