Làm thế nào để dẹp bỏ nạn 'chặt chém' du khách vẫn đang là vấn đề nan giải của ngành du lịch
"Việc xử phạt hành chính, dù ở mức cao, với người có hành vi chặt chém du khách chỉ là bắt cóc bỏ đĩa", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trả lời Zing.vn.
Dù đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến công tác nước ngoài nhưng khi được đề nghị trao đổi về nạn “chặt chém” du khách tại phố cổ Hà Nội sau bài điều tra về "Đội quân đánh giày kiểu trấn lột" trên Zing.vn, tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lập tức đồng ý.
- Từng nhiều năm làm việc trong ngành du lịch, ông cảm thấy thế nào khi xem clip?
- Thực sự tôi rất bức xúc. Hành vi "chặt chém" dù với khách quốc tế hay trong nước đều không thể chấp nhận được. Du khách không được đón tiếp đúng theo nghĩa của từ đó mà trở thành nạn nhân, dù phải thừa nhận đó là thực tế đáng buồn đang diễn ra.
Có thể đây chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh". Nhưng là du khách, họ trải nghiệm 9 điểm tốt mà chỉ cần 1 điểm xấu thì hình ảnh Việt Nam không còn đẹp nữa rồi.
Quan điểm của ngành quản lý du lịch là xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói, "chặt chém" là nỗi sợ hãi của du khách tới Việt Nam. Còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có Chỉ thị 14/về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch.
Trong đó, các giải pháp để dẹp nạn chặt chém, ép giá, chèo kéo và khắc phục thái độ ứng xử thiếu văn minh với du khách, mất vệ sinh môi trường, mất an toàn giao thông... đều được nêu ra.
Một trong hai thanh niên đánh giày kiểu trấn lột xuất hiện trong clip điều tra của Zing.vn sau đó đã bị công an triệu tập, xử phạt. Ảnh: Hoàn Nguyễn.
- Chỉ hai ngày sau clip đăng tải, công an đã xác định được 2 thanh niên đánh giày, sửa dép và triệu tập xử phạt. Ông đánh giá thế nào về xử lý của địa phương?
- Tôi đánh giá cao những thông tin của Zing.vn về vấn nạn đánh giày kiểu trấn lột ở phố cổ cũng như phản ứng tức thời của công an Hà Nội. Tuy nhiên việc triệu tập rồi phạt hành chính họ, thậm chí ở mức phạt cao cũng không hiệu quả. Với du khách, điều đó không khác việc "mất bò mới lo làm chuồng", vì Việt Nam vẫn để lại ấn tượng xấu trong mắt họ.
Theo tin tuc điều nguy hiểm hơn, các thanh niên bị triệu tập đều tái phạm nhiều lần, không ai dám chắc sau khi bị phạt, họ không tái phạm và tiếp tục làm tổn hại hình ảnh đất nước.
Nếu chúng ta không có biện pháp rốt ráo, việc xử phạt như thế không khác gì "bắt cóc bỏ đĩa". Những thanh niên đó có thể chuyển địa bàn hoạt động hoặc quay trở lại sau một thời gian lẩn tránh.
- Nhiều năm ở vị trí lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch trước khi nắm cương vị quản lý nhà nước về ngành, theo ông, đâu là giải pháp bền vững với vấn nạn này?
- Ở đâu cũng có vấn nạn du lịch. Có khác là sự quan tâm, tầm nhìn của mỗi địa phương và quyết tâm giải quyết vấn đề của mỗi nơi. Điều nguy hiểm là một số địa phương giải quyết theo kiểu báo cáo thành tích.
Để xử lý dứt điểm thì cần cả một quá trình, chúng ta phải đi tới tận cùng vấn đề.
Ngoài các biện pháp xử phạt mạnh, chúng ta cũng cần tính tới biện pháp dài hơi. Nạn "chặt chém", chèn ép du khách cũng bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Chúng ta mới thoát nghèo nên nhiều chính sách chưa bao quát hết các thành phần xã hội, nhiều người phải làm xằng bậy để sinh nhai. Các địa phương cần tạo việc làm cho những người đó, xem xét họ có năng lực gì để phát triển họ tốt hơn.
Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phải có sự quan tâm đề xuất đưa ra chương trình trách nhiệm xã hội tạo ra việc làm mới cho những cộng đồng dân cư yếu thế. Cộng đồng cần chung tay, để quan tâm chia sẻ cho những người cho họ có cơ hội để cải thiện cuộc sống bằng việc thiện.
Một điểm đến đông khách du lịch cũng tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng làm điều xấu. Chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ về mặt dân cư, tạo ra nề nếp ở địa phương, không để cơ hội cho hành vi xấu nảy sinh.
Ngoài các giải pháp tổng thể để phát triển du lịch, chúng tôi xác định mạng xã hội là kênh tuyên truyền hiệu quả để quảng bá du lịch. Vì vậy, Tổng cục Du lịch đã có nhiều cuộc thi để tôn vinh những blogger tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Mặt khác, chúng tôi cũng khuyến khích người dân đưa những hình ảnh phê phán các hành động xấu đối với du khách. Khi đưa lên công luận, hình ảnh đó sẽ tạo hiệu ứng, hiệu lực mạnh để cảnh báo các đối tượng, các cơ sở, địa điểm chèn ép, có thái độ không tốt với du khách.
- Ông chia sẻ gì với các du khách khi gặp những tình huống không hài lòng?
- Tôi đi du lịch nhiều và nhiều lần bị chèo kéo, ép giá tại một số điểm đến không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Đó là những trải nghiệm không hề dễ chịu.
Ở góc độ cá nhân tôi thấy, trước khi tới một điểm đến chúng ta cần nghiên cứu kỹ thông tin liên quan. Không chỉ là thời tiết, khí hậu mà cả về phong tục, tập quán cho tới giá cả. Đặc biệt, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội hiện đều có nhiều thông tin cảnh báo, khuyến cáo đối với du khách. Chúng ta cần chủ động phòng tránh với các hiện tượng, hành vi xấu của một số điểm đến.
Nguồn: Zing
0 nhận xét:
Đăng nhận xét